Thứ Sáu, 06/11/2020 - 2:52 GMT+7

ĐĂNG KÝ KHAI SINH VÀ ĐẶT TÊN CON CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI

Thẩm quyền đăng ký khai sinh

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 Luật Hộ tịch 2014 số 60/2014/QH13 về thẩm quyền đăng ký khai sinh :

«Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em trong các trường hợp sau đây:

Trẻ em được sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch;»

➠ Như vậy, UBND cấp huyện nơi cư trú của Bố/Mẹ là công dân Việt Nam sẽ có thẩm quyền đăng ký khai sinh cho trẻ.

Trách nhiệm đăng ký khai sinh

Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày sinh con, cha, mẹ có trách nhiệm đi khai sinh cho con; nếu cha, mẹ không thể đi khai sinh, thì ông, bà hoặc những người thân thích khác đi khai sinh cho trẻ em.

giấy khai sinh cho con có yếu tố nước ngoài

Thủ tục đăng ký khai sinh

• Hình thức nộp:

∘Trực tiếp ; hoặc

∘Ủy quyền cho người thân thực hiện thay

• Thời hạn giải quyết:

∘ Ngay trong ngày tiếp nhận hồ sơ ; hoặc

∘Ngày làm việc tiếp theo, nếu hồ sơ được nộp sau 15 giờ

• Lệ phí: theo quy định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh

• Hồ sơ :

Giấy tờ phải xuất trình (bản gốc):

∘ Hộ chiếu/CMND/Căn cước công dân

∘ Hộ khẩu/Sổ tạm trú của Bố/Mẹ là công dân Việt Nam

∘ Giấy chứng nhận kết hôn (nếu đã kết hôn)

∘ Giấy tờ chứng minh

Giấy tờ phải nộp:

∘ Tờ khai đăng ký khai sinh (theo mẫu)

∘ Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi trẻ em sinh ra cấp

∘ Giấy thỏa thuận của Bố Mẹ về việc lựa chọn quốc tịch cho con có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước mà Bố/Mẹ trẻ là công dân (hợp pháp hóa lãnh sự và dịch sang tiếng Việt)

Ví dụ: Nếu Bố Mẹ đồng ý lựa chọn quốc tịch Mỹ cho con thì văn bản thỏa thuận phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền của Mỹ.

∘ Giấy ủy quyền (có chứng thực) đối với trường hợp ủy quyền thực hiện việc đăng ký khai sinh

Đặt tên cho con có yếu tố người nước ngoài

Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch:

«Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán;»

đặt tên con có yếu tố nước ngoài

Bộ luật dân sự hiện hành chưa có quy định cụ thể về việc đặt tên, chữ đệm. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3, Điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2015, có hiệu lực từ ngày 01/01/2017:

« 1. Cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó.

   2. Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ.

Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của người đó.

Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người có yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em, nếu trẻ em đang được người đó tạm thời nuôi dưỡng.

Cha đẻ, mẹ đẻ được quy định trong Bộ luật này là cha, mẹ được xác định dựa trên sự kiện sinh đẻ; người nhờ mang thai hộ với người được sinh ra từ việc mang thai hộ theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.

   3. Việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này.

Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ.»

➠ Như vậy, đối với trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ em có Bố/Mẹ là công dân Việt Nam và người kia mang quốc tịch nước ngoài là trường hợp đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài, theo quy định pháp luật hộ tịch, nếu Bố Mẹ lựa chọn quốc tịch Việt Nam cho con, thì họ của con có thể xác định theo họ của cha, nhưng tên gọi (bao gồm cả chữ đệm, nếu có) phải là tên tiếng Việt.


Tin du lịch khác